Thứ Năm, Ngày 21/11/2024 -
Ngày đăng:
24/10/2024
Tỉnh Kon Tum nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới chung với hai nước Lào và Căm Pu Chia. Tọa độ địa lý từ 13055’30” đến 15025’30” vĩ độ Bắc, từ 107020’15” đến 108033’00” kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Căm Pu Chia. Diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, rừng Kon Tum, là nơi được thiên nhiên ban tặng những sản vật dược liệu tự nhiên đa dạng về chủng loại và quý giá, có công dụng chữa bệnh hiếm nơi nào có được như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Lan kim tuyến....
Xuất phát từ lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên; yêu cầu của người dân; yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước Tỉnh ủy Kon Tum đã Ban hành Nghị Quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 về đầu tư phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 định hướng đến 2030, theo đó đã đề ra các giải pháp chủ yếu để phát triển cây Sâm Ngọc Linh đó là: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và Nhân dân về Sâm Ngọc Linh; (2)Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội về Sâm Ngọc Linh; (3) Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách về dược liệu; (4) Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh gắn với chế biến và khoa học công nghệ; (5) Tập trung nguồn lực, huy động, bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu. Mục tiêu của Nghị quyết: "Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế".
Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết bước đầu đã đem lại những thành quả nhất định, cụ thể: Khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế đặc thù để phát triển bền vững các vùng trồng dược liệu, gắn với chế biến trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, phù hợp với lòng dân, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của người dân. Người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh và Đẳng Sâm. Hầu hết các chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra; các vùng trồng dược liệu tập trung dần được hình thành và phát triển về quy mô, nhất là ở 03 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông; việc đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm dược liệu đã được địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện. Một số sản phẩm từ dược liệu được thị trường đón nhận, nhất là sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Việc phát triển dược liệu đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc phát triển cây dược liệu đã đóng góp ngày càng tăng vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết
- Sâm Ngọc Linh: Đến tháng 9 năm 2024 luỹ kế diện tích Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh 2.445,53 ha/4.500 ha đạt 54,34% chỉ tiêu Nghị quyết. Dự kiến đến hết năm 2025 trồng được 4.500 ha ước đạt 100% mục tiêu Nghị quyết đề ra.
- Dược liệu khác: Thực hiện tháng 9 năm 2024 trồng được là 8.443,65 ha/10.000 ha đạt 84,43% Nghị quyết đề ra. Ước đến hết năm 2025 diện tích trồng cây dược liệu được 10.000 ha đạt 100% mục tiêu nghị quyết đề ra.
- Hình thành 05 cơ sở sản xuất giống dược liệu, ngoài ra còn có 03 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) cũng gieo ươm giống cây dược liệu cung ứng trên địa bàn.
- Về khai thác dược liệu 38.170,5 tấn đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (1.000 tấn), trong đó: Khai thác dược liệu từ rừng tự nhiên được 710,5 tấn (572 tấn Cu ly, 138,5 tấn dây Huyết đằng). Khai thác 37.460 tấn dược liệu trồng (Sâm dây 12.176 tấn, Nghệ vàng 15.713 tấn, Sả java 2.206 tấn...) đã vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
- Mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu: Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 08 cơ sở chế biến có quy mô vừa và lớn, bên cạnh đó còn có 55 hợp tác xã trồng và chế biến dược liệu.
- Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 6.623,27 tỷ đồng, trong đó giá trị tăng thêm của việc sản xuất cây dược liệu 1.650 tỷ đồng chiếm 24%. Đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 872,5 tỷ đồng ước đạt 43,6% mục tiêu nghị quyết. Dự báo đến 2025 việc đầu tư phát triển cây dược liệu đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 2.000 tỷ đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Để phát triển dược liệu có hiệu quả sớm đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian đến như sau:
1. Tiếp tục thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Phát huy kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, quyết tâm, quyết liệt thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đề án đề ra, trọng tâm là chỉ tiêu trồng Sâm Ngọc Linh. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương trong công tác đầu tư phát triển dược liệu.
3. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu đến tất cả cán bộ, công chức và tầng lớp Nhân dân để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện; tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh; chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ dược liệu nhất là các loài dược liệu đặc trưng của tỉnh.
4. Quản lý chặt chẽ các nguồn giống dược liệu địa phương có giá trị, nhất là nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum; xây dựng Quy chuẩn/Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu quý. Tăng cường thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhất là các dự án có thuê rừng để trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng; công tác phân phối, lưu thông dược liệu; ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán dược liệu trái phép, dược liệu giả và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu.
5. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu của tỉnh Kon Tum, trong đó có chính sách hỗ trợ giống để phát triển một số loài dược liệu chủ lực, hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, hỗ trợ pháp lý về hành chính, đất đai... Nghiên cứu mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh ra các xã lân cận có điều kiện tương đồng để đẩy nhanh công tác trồng Sâm Ngọc Linh theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
6. Đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung; bảo tồn và phát triển các loại dược liệu có nguồn gốc tự nhiên gắn với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; Đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất; Tăng cường liên kết, phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám, chữa bệnh.
7. Huy động nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện đầu tư và phát triển dược liệu, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định. Tăng cường vận động, tạo cơ chế huy động các nguồn đầu tư, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực dược liệu. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút bằng được Nhà máy chế biến dược liệu có quy mô lớn, tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức chuyên sản xuất dược liệu trong nước và quốc tế.
8. Nghiên cứu thực hiện liên kết "06 nhà: Nhà nước - Nông dân - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Ngân hàng- Nhà phân phối" trong chuỗi phát triển dược liệu; gắn việc phát triển dược liệu với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn.
Với chủ trương đúng đắn, giải pháp cụ thể, thiết thực; sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đặc biệt là sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh thì mục tiêu đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước là hoàn toàn khả thi.
Hình 1: Một số loại dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Hình 2: Người dân thu hoạch Đẳng sâm (sâm dây)
Hình 3: Chi cục Kiểm lâm tổ chức các lớp tập huấn về dược liệu
Công Vũ - Thu Trang (sđt liên hệ: 0976772093)
Công ty cổ phần Vin Gin; Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô; Công ty TNHH DATO; Công ty TNHH Lâm Thịnh; Công ty TNHH Thái Hoà; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tu Mơ Rông; Công ty TNHH Ứng Dụng Công Nghệ Cao Hoàng Linh Sơn - Tu Mơ Rông