Thứ Năm, Ngày 21/11/2024 -

Ngày đăng:

30/09/2024 

TÓM TẮT

Bài báo trình bày kết quả đánh giá kết quả thực hiện dự án trồng rừng thử nghiệm dòng bạch đàn cự vĩ DH32-29 trên địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai, trong thời gian 03 năm từ 2020-2023 bằng phương pháp bố trí thí nghiệm trồng 05 ha mật độ trồng 2.200 cây/ha theo quy trình kỹ thuật trồng rừng hiện hành; Nghiên cứu mức độ tăng trưởng của cây trồng về chiều cao vút ngon (HVN), đường kính gốc (D­g­) và thể tích thân cây (V). Định kỳ 6 tháng/một năm một lần đo đếm trên 5 ô tiêu chuẩn cố định 100 m2 đo đếm các chỉ số tăng trưởng của cây trồng (HVN ; Dg­ ); nhập số liệu thu thập được vào máy tính xử lý số liệu xác định lượng tăng trưởng về thể tích và dự báo tăng trưởng trong tương lai bằng phương pháp mô hình hóa theo hàm logarit tương quan giữa thời gian và chỉ tiêu nghiên cứu. Kết quả cho thấy qua phân tích số liệu và quan sát đường cong biểu đồ tăng trưởng về đường kính gốc, chiều cao vút ngọn và thể tích cây đứng ta có thể khẳng định mức độ sinh trưởng của cây Cây Bạch đàn Cự vĩ DH32-29  sau 3 năm trồng thử nghiệm tại xã Ia Tơi là chậm. Cây Bạch đàn Cự vĩ DH32-29 không thích nghi với điều kiện tự nhiên tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Không khuyến cáo trồng cây Bạch đàn cự vĩ trên các vùng sinh thái có điều kiện tương đồng.

Từ khóa: Bạch đàn cự vĩ, DH32-29, Eucalyptus, trồng thử nghiệm, tăng trưởng, thích nghi.

MỞ ĐẦU

          Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum xác định: Phát huy lợi thế rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng cho người dân, cộng đồng dân cư; gắn việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái; khuyến khích người dân nhận khoán và trồng rừng. Rà soát đất lâm nghiệp còn trống thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và các dự án không hiệu quả để trồng lại rừng; lựa chọn cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng, chu kỳ kinh doanh ngắn; các loại cây gỗ quí hiếm; đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu theo qui hoạch gắn với thu hút nhà máy chế biến lâm sản, phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng... như vậy phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp đã được Đảng bộ tỉnh quan tâm.

          Nghiên cứu giống cây trồng được xác định  là giải pháp khoa học công nghệ mang  tính đột phá nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng các loài cây mọc nhanh qua đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi và trung du đồng thời giảm được tỷ trọng gỗ nhập khẩu trong công nghiệp chế biến qua đó nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trên thị trường.

          Giống là một trong những khâu quan trọng nhất của trồng rừng và rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất. Không có giống tốt thì không thể đưa năng suất rừng trồng lên cao. Theo Davidson (1996) thì giống được cải thiện có thể chiếm đến 50 - 60% năng suất rừng trồng. Hiện nay một số nước có nền lâm nghiệp tiên tiến đã tạo được năng suất rừng trồng 40 -50 m3/ha/năm trên diện rộng, có nơi đã đạt năng suất 60 - 70 m3/ha/năm. Gần đây, với việc đưa một số giống Keo lai và Bạch đàn cao sản vào sản xuất, một số nơi đã đạt năng suất rừng trồng 30 - 40 m3/ha/năm, mở ra triển vọng mới cho trồng rừng sản xuất ở nước ta. Do đó việc thử nghiệm chọn ra giống tốt thích hợp với từng điều kiện sinh thái cụ thể để phát triển rừng trồng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

 I. Tổng quan

 1. Nước ngoài

Thành công của công tác trồng rừng sản xuất (RSX) trước hết phải kể đến công tác nghiên cứu giống cây rừng. Theo Eldridge (1993)  các chương trình chọn giống đã bắt đầu ở nhiều nước và tập trung cho nhiều loài cây mọc nhanh khác nhau, trong đó có Bạch đàn Brazil đã chọn cây trội và xây dựng vườn giống cây con thụ phấn tự do cho các loài bạch đàn E. maculata ngay từ những năm 1952; Mỹ bắt đầu với loài E. robusta vào năm 1966. Từ năm 1970 đến 1973 Úc đã chọn được 160 cây trội cho loài E. regnans và 170 cây trội có thân hình thẳng đẹp và tỉa cành tự nhiên tốt ở loài E. grandis. Tương tự như vậy, 150 cây trội đã được chọn ở rừng tự nhiên cho loài E. diversicolor ở Úc và loài E. deglupta ở Papua New Guinea.

Nhờ những công trình nghiên cứu chọn lọc và tạo giống mới tới nay ở nhiều nước đã có những giống cây trồng năng suất rất cao, gấp 2-3 lần trước đây như ở Brazil đã tạo được những khu rừng có năng suất 70-80 m3/ha/năm, tại Công Gô năng suất rừng cũng đạt 40 - 50 m3/ha/năm. Theo Covin (1990) tại Pháp, Ý nhiều khu rừng cung cấp nguyên liệu giấy cũng đạt năng suất 40 - 50 m3/ha/năm, kết quả là hàng ngàn ha đất nông nghiệp được chuyển đổi thành đất lâm nghiệp để trồng rừng cung cấp nguyên liệu giấy đạt hiệu quả kinh tế cao.

Một số nước nhờ sử dụng giống mới kết hợp với kỹ thuật thâm canh đã được năng suất 35 - 70 m3/ha/năm. Ví dụ các dòng Bạch đàn lai 6 tuổi ở Côngô có năng suất 35 m3/ha/năm, trong lúc giống được chọn lọc từ các xuất xứ tốt nhất là 20 - 25 m3/ha/năm, còn giống chưa được chọn lọc chỉ có năng suất 12 m3/ha/năm (Davidson, 1998). Năng suất 10 dòng Bạch đàn lai tốt nhất ở Aracruz của Brazin cũng đạt 70 m3/ha/năm  ở giai đoạn 5 tuổi rưỡi, trên một số lập địa thậm chí có thể đạt 100 m3/ha/năm  (Brandao, 1989; Sunder, 1993; Davidson, 1998). Sau ba giai đoạn chọn giống tỷ trọng gỗ của 25 dòng được chọn cũng tăng lên 0,52 - 0,63, trong lúc tỷ trọng gỗ ban đầu là 0,35 - 0,85 (van Buijtenen & Zobel, 1998).

2. Trong nước

Những nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng thuộc Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam, đặc biệt là của Lê Đình Khả (2), Nguyễn Hoàng Nghĩa (2000-2001), Hà Huy Thịnh (1999, 2002) đã nghiên cứu tuyển chọn các xuất xứ, giống Keo lai tự nhiên, Bạch đàn và lai giống nhân tạo giữa các loài keo, kết quả đã chọn và tạo ra được các dòng lai có sức sinh trưởng gấp 1,5 - 2,5 lần các loài cây bố mẹ, năng suất rừng trồng ở một số vùng đạt từ 20 - 30 m3/ha/năm, có nơi đạt 40 m3/ha/năm.

Năm 1991 Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng đã tiến hành chọn lọc cây trội và ghép cho một số cây Bạch đàn urô (U), Bạch đàn trắng caman (C) và Bạch đàn liễu (E). Sau đó, trong các năm 1996-2000, thông qua việc thực hiện đề tài "Bước đầu lai giống một số loài bạch đàn" do GS. Lê Đình Khả làm chủ nhiệm, KS. Nguyễn Việt Cường làm cộng tác viên chính, Trung tâm đã chọn thêm một số cây trội, nghiên cứu đặc điểm vật hậu, cất trữ hạt phấn và tiến hành lai giống cho ba loài bạch đàn nói trên. Bằng phương pháp thụ phấn có kiểm soát (control pollination) đã tiến hành lai thuận nghịch (reciprocal hybridisation) và tạo ra hơn 70 tổ hợp lai (hybrid combination) gồm các cây lai khác loài (interspecific hybrids) và cây lai trong loài (intraspecific hybrids). Các tổ hợp lai được tạo ra gồm  các nhóm  UC, CU, UE, EU, CE, EC và UU đã được khảo nghiệm tại các nơi có điều kiện lập địa khác nhau như Thuỵ Phương (Hà Nội), Ba Vì (Hà Tây), Đông Hà (Quảng Trị) và Hòn Đất (Kiên Giang). Kết quả nghiên cứu lai giống và khảo nghiệm giống đã nhận định chính về tình hình sinh trưởng của một số tổ hợp lai tại các nơi khảo nghiệm nhằm thấy rõ ảnh hưởng của nhân tố di truyền và điều kiện hoàn cảnh đến sinh trưởng của cây lai. Số liệu thu được cho thấy ở tất cả các nơi khảo nghiệm các tổ hợp lai giữa các loài Bạch đàn urô, Bạch đàn trắng caman và Bạch đàn liễu đều sinh trưởng nhanh hơn các loài bố mẹ, đặc biệt là nhanh hơn các bố mẹ đã trực tiếp tham gia lai giống.

Nguyễn Việt Cường (2002, 2004) đã nghiên cứu khá toàn diện về lai giống 3 loài Bạch đàn Urophylla, Camaldulensis và Exserta từ việc nghiên cứu cơ sở khoa học của lai giống như thời kỳ nở hoa, cất trữ hạt phấn,... cho đến đánh giá, khảo nghiệm các tổ hợp lai. Tác giả cho biết từ 9 tổ hợp lai và 5 dòng Bạch đàn lai đã chọn được 7 tổ hợp lai U29C3, U15E4, U15C1, E1U29, U29E1, U2U29 và U29E2 đạt năng suất từ 20 - 27 m3/ha/năm, gấp 1,5 - 2 lần giống sản xuất hiện nay; 3 dòng Bạch đàn lai 81, 85 và HH có năng suất vượt các giống PN2 và PN14 từ 23 - 84%. Bên cạnh các loài Keo và Bạch đàn, các nghiên cứu cũng đã tập trung vào một số loài cây trồng rừng chủ lực khác như Thông Caribe, Thông nhựa, Tràm có năng suất cao,….

          Dòng Bạch đàn Cự vỹ (DH32-29) có tên khoa học Eucalyptus urophylla x Eucalyptus grandis (là giống được lai tạo giữa Bạch đàn Eucalyptus urophylla với Bạch đàn Eucalyptus grandis) được Trung Quốc nghiên cứu thành công năm 2002 có năng xuất bình quân năm 40 - 50 m3/ha/năm.

          Trên cơ sở trồng thử nghiệm ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh kết quả cho thấy mức độ sinh trưởng của Dòng Bạch đàn Cự vỹ (DH32-29) gấp 1,5 lần so với các dòng Bạch đàn thông thường, theo đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp, ngày 8/11/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ký quyết định số 4572/QĐ-BNN-TCLN  công nhận 4 giống bạch đàn nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có Dòng Bạch đàn Cự vĩ DH32-29 ( Mã số giống mới được công nhận: BĐL.LN.17.20) là giống tiến bộ kỹ thuật được phép sản xuất kinh doanh những nơi có điều kiện tương đồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của loài.

3. Tỉnh Kon Tum

Năm 2009 Công ty TNHH MTV InnovGreen Kon Tum đã nhập cây giống Bạch đàn Cự vĩ (DH32-29)  trồng tại xã Ya Tăng huyện Sa Thầy, theo báo cáo của đơn vị năng suất bình quân của rừng trồng bạch đàn cự vỹ đạt từ 200-230 m3/ha ( sau 8 năm và mật độ trồng 1.250 cây/ha).

Kon Tum có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030 là 640.985 ha phân theo chức năng 03 loại rừng như sau: Diện tích đất rừng đặc dụng 95.015 ha; đất rừng phòng hộ 160.625 ha; diện tích đất rừng sản xuất 385.345 ha. Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng theo kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2023 hơn 170.000 ha, độ che phủ của rừng 63,69%, tổng trữ lượng gỗ 83,316 triệu m3 đây được xem là thế mạnh của ngành lâm nghiệp.

Tỉnh Kon Tum đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào về khảo nghiệm, thử nghiệm các xuất xứ Bạch đàn phục vụ cho phát triển ngành lâm nghiệp. Thực tế đã có nhiều thất bại trong trồng rừng sản xuất tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân và một số hộ dân tham gia trồng rừng sản xuất theo chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất của Chính phủ.

Ngành Nông nghiệp và PTNT đang quan tâm việc tìm cơ cấu cây trồng có năng suất chất lượng cao để trồng rừng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Mục tiêu

Xác định cơ cấu loài cây trồng rừng có năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường phục vụ việc trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh. Đánh giá mức độ thích nghi; dự báo năng suất gỗ rừng trồng thử nghiệm; lựa chọn và đề xuất loài cây có triển vọng để trồng rừng gỗ nguyên liệu.

2. Đối tượng và khu vực thử  nghiệm

- Đối tượng: Bạch đàn Cự vỹ (Dòng DH32-29)

- Khu vực: Khoảnh 2 tiểu khu 761 thuộc địa giới hành chính xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai.

3. Nội dung nghiên cứu

- Trồng thử nghiệm diện tích 05 ha

- Thời gian trồng: Tháng 9/2020.

- Mật độ cây trồng: 2.200 cây/ha.

4. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp luận: Cây trồng nói chung và cây trồng lâm nghiệp nói riêng đều có một khoảng biến thiên sinh thái nhất định, cây chỉ sống được trong khoảng biến thiên sinh thái đó, nghiên cứu mức độ tăng trưởng của cây trồng trong một điều kiện sinh thái nhất định theo hướng định lượng là cách tiếp cận của công trình này. Trồng thử nghiệm là một quá trình lâu dài và liên tục hoạt động mang tính thời vụ cao, yêu cầu kỹ thuật và tính chính xác cao do đó quan điểm nghiên cứu phải trung thực, khách quan và có tính khoa học.

- Phương pháp cụ thể: Bố trí thí nghiệm trồng 05 ha mật độ trồng 2.200 cây/ha theo quy trình kỹ thuật trồng rừng hiện hành; Nghiên cứu mức độ tăng trưởng (tăng trưởng bình quân chung, tăng trưởng bình quân hàng năm) của cây trồng về chiều cao vút ngon (HVN), đường kính gốc (D­g­) và thể tích thân cây (V). Định kỳ 6 tháng/một năm một lần đo đếm trên 5 ô tiêu chuẩn cố định 100 m2 đo đếm các chỉ số tăng trưởng của cây trồng (HVN ; Dg­ );  Nhập số liệu thu thập được vào máy tính xử lý số liệu xác định lượng tăng trưởng về thể tích và dự báo tăng trưởng trong tương lai bằng phương pháp mô hình hóa theo hàm logarit tương quan giữa thời gian và chỉ tiêu nghiên cứu.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1. Tính toán các thông số rừng trồng sau 42 tháng trồng

- Mật độ cây sống hiện tại: 1.360 cây/ha.

- Đường kính bình quân 5,02 cm.

- Chiều cao vút ngọn bình quân 3,91 m.

- Lượng tăng trưởng bình quân thể tích 0,0059 m3.

- Trữ lượng: 6,081 m3/ha.

- Lượng tăng trưởng hàng năm về đường kính là 1,43 cm.

- Lượng tăng trưởng bình quân hàng năm về chiều cao 1,112 m.

- Lượng tăng trưởng bình quân hàng năm thể tích 0,0016 m3.

- Trữ lượng tăng trưởng bình quân hàng năm về trữ lượng 2,027 m3/ha/năm.

2. Thông kê, xử lý số liệu đo đếm: Như biểu sau

2.1. Kết quả đánh giá tăng trưởng về đường kính thân:

Đường kính gốc bình quân 5,02 cm lượng tăng trưởng bình quân hàng năm về đường kính gốc 1,43 cm. Được mô phỏng bằng biểu đồ hình 1.

Hình 1. Biểu đồ tăng trưởng về đường kính cây Bạch đàn cự vỹ

2.2. Kết quả nghiên cứu tăng trưởng về chiều cao:

Chiều cao bình quân cây trồng thử nghiệm 3,91m lượng tăng trưởng bình quân hàng năm về chiều cao 1,12 m. Được mô phỏng bằng biểu đồ hình 2

Hình 2. Biểu đồ tăng trưởng về chiều cao cây Bạch đàn cự vỹ

2.3. Kết quả nghiên cứu tăng trưởng về thể tích thân cây:

Thể tích thân cây bình quân 0,0059 m3 (5,9 dm3), lượng tăng trưởng bình quân hàng năm về thể tích thân cây 0,0016m3. Được biểu thị bằng biểu đồ hình 3

Hình 3. Biểu đồ tăng trưởng về thể tích cây Bạch đàn cự vỹ

3. Nhận xét đánh giá

 Quan sát thực tế lô rừng trồng, diện tích 05 ha cây trồng sinh trưởng không đồng đều trên toàn diện tích, hình thành 02 hiện trạng khác nhau cụ thể:

- Trạng thái 1: Diện tích Khoảng 1,7 ha mật độ bình quân 1.750 cây/ha  đạt tỷ lệ 79,54% so với hồ sơ thiết kế, mức sinh trưởng kém nhưng có khả năng thành rừng.

- Trạng thái 1: Diện tích khoảng 3,3 ha mật độ bình quân 1.100 cây/ha  đạt tỷ lệ 50% so với hồ sơ thiết kế. Mức độ sinh trưởng rất kém hiện chưa đủ tiêu chí thành rừng và có khả năng không thành rừng.

- Cây trồng sinh trưởng không đồng đều, cây thấp, phân cành nhiều, mức độ sinh trưởng kém.

- Lượng tăng trưởng bình quân thấp, năng suất và chất lượng rừng rất thấp (So với lượng tăng trưởng bình quân chung của cả nước 20m3/ha/năm).

- Thảo luận: Cây lâm nghiệp có chu kỳ sinh trưởng phát triển dài, trong phạm vi nghiên cứu 3 năm chỉ dừng lại mức độ quan sát mức độ sinh trưởng giai đoạn đầu của cây trồng. Kết luận mức độ sinh trưởng của cây trồng thử nghiệm chỉ mang tính tham khảo để đưa ra khuyến cáo phát triển diện tích loài cây này.

IV. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN CÁO

          Qua phân tích số liệu và quan sát đường cong biểu đồ tăng trưởng về đường kính gốc, chiều cao vút ngọn và thể tích cây đứng ta có thể khẳng định mức độ sinh trưởng của cây Cây Bạch đàn Cự vĩ DH32-29 sau 42 tháng (3 năm 6 tháng) trồng thử nghiệm tại xã Ia Tơi là chậm.

- Cây Bạch đàn Cự vĩ DH32-29 không thích nghi với điều kiện tự nhiên tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai.

- Không khuyến cáo trồng cây Bạch đàn cự vĩ trên các vùng sinh thái có điều kiện tương đồng.

          * Lời cảm ơn: Tác giả xin chân thành cảm ơn tập thể lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm; Tập thể lãnh đạo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp IaH’Drai và các đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ để tôi hoàn thiện bài viết này. Xin cảm ơn.

          * Tài liệu tham khảo:

          - Mai Đình Hồng (1997), Xây dựng mô hình Bạch đàn thâm canh năng suất cao, Báo cáo khoa học tại Trung tâm nghiên cứu cây nguyên liệu giấy Phù Ninh - Phú Thọ.

          - Lê Đình Khả (2000,2002), “Nghiên cứu chọn tạo giống và nhân giống cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu ở Việt Nam”, Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp giai đoạn 1996 - 2000,

          - Nguyễn Hoàng Nghĩa (2000), Chọn giống Bạch đàn Eucalyptus theo sinh trưởng và kháng bệnh ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.

         - Đỗ Đình Sâm, Phạm Văn Tuấn (2001), “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng rừng công nghiệp năng suất cao”, Báo cáo khoa học, Viện khoa học Lâm nghiệp 2001.

          - Hồ Công Vũ và cộng sự (2017) Kết quả nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Thông Caribea (Pinus caribea) và một số giống Bạch đàn (Eucalyptus) phục vụ trồng rừng gỗ nguyên liệu giấy trên một số vùng sinh thái của tỉnh Kon Tum;

          - PGS-TS Dương Mộng Hùng (2003), Giáo trình giống cây lâm nghiệp.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÂY BẠCH ĐÀN 42 THÁNG TUỔI (3 NĂM 6 THÁNG) TẠI XÃ IA TƠI - HUYỆN IA H'DRAI

Công Vũ