Thứ sáu, Ngày 09/5/2025 -

Ngày đăng:

12/03/2025 

 Tỉnh Kon Tum với địa hình chủ yếu là đồi núi, với tổng diện tích tự nhiên là 967.417,11 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 780.247,95 ha. Giữa những cánh rừng bạt ngàn, nơi thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, có những bóng dáng nhỏ bé nhưng kiên cường - nữ chiến sỹ Kiểm lâm ngày ngày thầm lặng cống hiến vì màu xanh của Tổ quốc.

            Lực lượng Kiểm lâm Kon Tum với đặc thù công việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa với những đợt tuần tra xuyên rừng, băng qua suối sâu, đồi cao, những đêm dài canh giữ rừng, đối mặt với biết bao hiểm nguy, vất vả. Bởi vậy, khi nhắc đến Kiểm lâm hình ảnh những người đàn ông rắn rỏi, dẻo dai tuần tra rừng từ lâu đã trở nên quen thuộc, đối với những nữ Kiểm lâm, khó khăn ấy dường như nhân lên gấp bội. Nhưng đâu quản đường rừng cheo leo, đâu ngại mưa nắng vất vả, bằng lòng yêu nghề, yêu rừng, họ vẫn bền bỉ bước đi, bảo vệ từng gốc cây, từng tán lá, giữ gìn sự bình yên cho những cánh rừng quê hương. Họ không chỉ là những người giữ rừng mà còn là biểu tượng của lòng yêu thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh thầm lặng.

          Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Để đạt được kết quả ấy là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trong đó có cả sự đóng góp thầm lặng của nữ Kiểm lâm. Đối với nữ Kiểm lâm địa bàn, xác định phải luôn làm tốt nhiệm vụ được giao cũng như vai trò của Kiểm lâm địa bàn trong việc kết nối chính quyền và người dân được đánh giá là điểm mấu chốt cho thành công trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, họ đã nhanh chóng làm quen với chính quyền, người dân khu vực địa bàn phụ trách, nắm bắt thông tin và tham mưu cho lãnh đạo Hạt về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đối với những nữ Kiểm lâm làm việc tại Văn phòng, luôn tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo, triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.

 

          Để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại công nghệ số, nữ Kiểm lâm Kon Tum đã không ngừng học hỏi; trao dồi kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc được giao. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của các cấp về chương trình "Vì sự tiến bộ của phụ nữ", Ban nữ công Chi cục Kiểm lâm đã không ngừng đổi mới trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, tham mưu cho lãnh đạo về chủ trương, nội dung các phong trào phụ nữ, từ đó khích lệ khát vọng vươn lên, ý chí vượt khó, tinh thần ham học hỏi, khả năng sáng tạo, nâng cao vị thế và hiệu quả công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua để tập hợp, gắn kết thành viên, chủ động sáng tạo, phát huy tiềm năng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo cơ quan, Ban nữ công đã tích cực tham gia phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; hưởng ứng các Cuộc vận động, phát động rèn luyện phẩm chất đạo đức, rèn luyện sức khỏe, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cũng như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của toàn thể chị em trong cơ quan để góp phần tạo dựng môi trường làm việc văn minh, gắn kết lẫn nhau.

Lãnh đạo cơ quan thường xuyên quan chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nữ công

            Vừa là người chiến sĩ bảo vệ rừng, vừa là người vợ, người mẹ trong gia đình, nữ Kiểm lâm phải đối mặt với không ít khó khăn. Có những chuyến công tác xa kéo dài hàng tuần, có khi đón Tết giữa rừng, có lúc lặng lẽ nuốt nước mắt khi con nhỏ ốm mà mình lại ở nơi xa không thể về ngay. Nhưng họ vẫn kiên trì, vẫn gắn bó với nghề, bởi tình yêu với màu xanh của rừng đã trở thành một phần máu thịt.

            Nghề Kiểm lâm nói chung và công việc của nữ Kiểm lâm nói riêng luôn là một hành trình đầy gian nan nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Những người phụ nữ khoác lên mình bộ đồng phục Kiểm lâm không chỉ là những "chiến binh xanh" bảo vệ rừng mà còn là những tấm gương về lòng yêu nghề, sự hy sinh và tinh thần kiên cường.

          Dù phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với sự cống hiến thầm lặng của những nữ Kiểm lâm, những cánh rừng xanh sẽ mãi được bảo vệ, để thế hệ mai sau vẫn còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và góp phần xây dựng một tương lai bền vững hơn./.  

Thu Trang