Thứ Năm, Ngày 03/7/2025 -

Ngày đăng:

24/07/2024 

Tín chỉ carbon đã trở thành một khái niệm quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của con người lên hệ sinh thái, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và lượng khí thải carbon ra môi trường không ngừng gia tăng. Tín chỉ carbon đề cập đến một công cụ được sử dụng để đo lường và quản lý lượng khí thải carbon và cung cấp một tiêu chuẩn chung để ước tính và báo cáo lượng carbon thải ra môi trường.

              Nguồn ảnh: Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống

 

Thị trường carbon được bắt đầu từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon Carbon dioxide (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường tín chỉ carbon.

          Tín chỉ carbon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bao gồm: Giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR) và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM).

          Hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.

          Tại Việt Nam các vấn đề liên quan đến hấp thụ Carbon của rừng, đều là những vấn đề còn khá mới mẻ và mới được bắt đầu nghiên cứu trong những năm gần đây. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ngày 16/11/1994 và Nghị định thư Kyoto vào ngày 25/9/2002, được đánh giá là một trong những nước tích cực tham gia vào Nghị định thư Kyoto sớm nhất.

Nguồn ảnh: Internet

 

           Quảng Nam là địa phương được Chính phủ đồng ý cho phép lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021-2025). Theo đề án với 680.000 ha rừng, khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon trong giai đoạn từ 2018-2030, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng.

Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng có thể thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; nguồn ảnh: Long phi/VOV-Miền trung

         

Tỉnh Tuyên Quang, hiện có gần 426.000 ha rừng, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên 233.000 ha; diện tích rừng trồng hơn 193.000 ha. Tuyên Quang là tỉnh có diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC lớn nhất cả nước. Tuyên Quang đứng top đầu cả nước về độ che phủ rừng. Mỗi năm có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán.

          Tỉnh Kon Tum Năm 2018 đã triển khai Dự án REDD+ tại xã Hiếu, huyện Kon Plong, với mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng trên diện tích khoảng 1.200 ha, kết hợp trồng rừng hơn 100 ha diện tích đất rừng bị suy thoái. Đây là một hợp phần của Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” (gọi tắt là dự án KfW10). Dự án được KfW10 hỗ trợ tài chính, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật là Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) có vai trò điều phối và thúc đẩy dự án, thay mặt cho cộng đồng thực hiện bán tín chỉ carbon.

          Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng thế giới (WB). Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho WB với tổng số tiền 51,5 triệu USD.

          Theo đó, dự án tín chỉ carbon rừng từ REDD+ trong thời gian từ tháng 6/2022 đến 12/2026 được xây dựng theo tiêu chuẩn; năm 2022 bán 1,5 triệu tín chỉ của các năm 2018, 2019 và 2020; năm 2024 bán 2,5 triệu tín chỉ của các năm 2021, 2022, 2023; năm 2026 bán 2,1 triệu tín chỉ của các năm 2024, 2025. Tuy nhiên, Đề án triển khai chưa hiệu quả do thiếu các quy định về quy trình, thủ tục, trách nhiệm của các bên liên quan, cơ chế tài chính của một dự án kinh doanh tín chỉ carbon rừng ở từng giai đoạn.

          Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn Plan Vivo. Hồ sơ dự án đã được Tổ chức Plan Vivo thẩm tra. Lượng carbon rừng được hấp thụ và lưu giữ tăng thêm từ các hoạt động can thiệp chống mất rừng được xác định là 5.217 tấn trong 30 năm, bình quân mỗi năm là 1.700 tấn CO2. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) là cơ quan ủy thác của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) đã ký Ý định thư (LOI) để chuyển nhượng 5,15 triệu tCO2e từ rừng của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sáng kiến LEAF: Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp được thành lập với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng tự nhiên thông qua cung cấp tài chính cho nỗ lực bảo vệ rừng của các quốc gia có qui mô lớn hơn 2,5 triệu ha. Liên minh (LEAF) gồm 4 chính phủ tài trợ ( Anh, Hoa Kỳ, Na Uy, Hàn Quốc) và 25 Doanh nghiệp như: Burberry; Amazon, Delta, H&M Group...

          Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta có tổng cộng 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 10 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới.

          Tỉnh Kon Tum có hơn 616.123 ha rừng, trong đó Rừng tự nhiên là 552.287 ha, rừng trồng là 63.836,09 ha nếu tính đầy đủ thep phương pháp tính của Cục lâm nghiệp mỗi năm Kon Tum có khoảng 2 triệu tấn carbon đưa ra thị trường thu về hơn 10 triệu USD.

Rừng huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum

Mặc dù là một thị trường sôi động đầy hứa hẹn nhưng số lượng dự án tín chỉ carbon rừng được đăng ký còn rất hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng đăng ký hạn chế nêu trên, từ sự phức tạp của phương pháp luận; tính chặt chẽ trong yêu cầu thu thập, giám sát dữ liệu đến những rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án rừng. Một số thách thức có thể kể đến như sau:

          i) Đánh giá hợp lệ của dự án theo phương pháp luận: Để có thể thực hiện một dự án tín chỉ carbon rừng thì khu vực dự án phải thỏa mãn các điều kiện nhất định dựa theo các tiêu chuẩn và phương pháp luận tương ứng. Ví dụ, đối với một dự án trồng rừng mới theo VCS thì khu vực thực hiện dự án phải đảm bảo là đất trống hoặc cây bụi trong thời gian 10 năm trở lại trước ngày bắt đầu dự án. Điều này đặt ra các trở ngại trong việc thu thập dữ liệu quá khứ nhằm xác định các diện tích đất trống hợp lệ để phát triển dự án tín chỉ.

          ii) Đo đạc, giám sát dữ liệu: Việc đo đạc khả năng hấp thụ Carbon  của rừng là một vấn đề khó khăn đặc biệt đối với các nước nhiệt đới như Việt Nam do tính đa dạng về các loại rừng, sự khác biệt về các yếu tố vật lý và môi trường giữa các khu vực. Do vậy, nhiều khu vực rừng yêu cầu việc đo đạc thực địa để có thể điều chỉnh lượng carbon hấp thụ ước tính phù hợp với thực tế hiện trường, điều này có thể là một thách thức đối với các khu vực rừng rộng, việc kiểm tra thực địa đỏi hỏi nguồn chi phí và nhân lực lớn.

          iii) Rủi ro trong quá trình thực hiện: Quá trình thực hiện dự án có thể gặp nhiều rủi ro, như sâu bệnh, băng giá, cháy rừng, v.v khiến cho dự án không đạt được lượng tín chỉ Carbon  ước tính. Ngoài ra, giai đoạn tín chỉ dài (từ 20 đến 100 năm) đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các bên tham gia để có thể duy trì hoạt động dự án theo đúng thiết kế. Do vậy, các tiêu chuẩn hiện nay đều yêu cầu giữ lại một lượng tín chỉ nhất định (thường từ 15-20%) để bù trừ trong trường hợp giảm phát thải từ dự án bị đảo ngược.

          Từ thực tế triển khai chính sách tín chỉ carbon rừng cho thấy chính sách carbon rừng ở nước ta còn thiếu hụt, cụ thể:

          Thứ nhất, Việt Nam chưa có quy định về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng trong khi đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng carbon rừng.

          Thứ hai, Việt Nam cũng chưa có quy định về Carbon rừng khi được xác nhận dưới dạng tín chỉ Carbon là tài sản của rừng cũng như sản phẩm hàng hóa của rừng được “đối xử” ngang bằng như gỗ hay lâm sản ngoài gỗ.

          Thứ ba, carbon rừng chỉ trở thành sản phẩm hàng hóa để chuyển nhượng khi được xác nhận là tín chỉ phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án theo tiêu chuẩn carbon phù hợp, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ. Đây là một quá trình đặc thù, khác với nhiều lĩnh vực khác bởi nhiều giai đoạn phải được các tổ chức độc lập thực hiện, trong khi các quy định hiện hành ở Việt Nam chưa có.

          Thứ tư, Việt Nam đang thiếu những quy định về thể chế chung đối với carbon rừng. carbon rừng đang trong hai xu hướng: Một là, dùng để chuyển nhượng bằng các thỏa thuận giảm phát thải (ERPA) hoặc trao đổi, chuyển nhượng, bù trừ tín chỉ Carbon theo thị trường theo Luật Bảo vệ Môi trường; hai là, carbon  rừng được hình thành từ chống mất rừng, chống suy thoái rừng, hấp thụ và lữu giữ từ các hoạt động khôi phục rừng lại được quy định là một loại hình dịch vụ môi trường rừng. Rõ ràng, hai xu hướng này có những điểm đồng nhất nhưng cũng có những điểm khác biệt, do đó phải cần có một thể chế thống nhất đối với carbon  rừng thì mới có thể hài hòa hóa giữa giao dịch tín chỉ carbon rừng theo thị trường và theo cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

          Thứ năm, do đặc thù của tín carbon rừng được hình thành từ các hoạt động để giảm phát thải từ rừng hay những hoạt động tăng hấp thụ và lưu giữ Carbon  rừng tham gia thị trường carbon phải qua quá trình như đầu tư, kinh doanh tín chỉ Carbon. Hiện đang thiếu quy định về hình thức đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon  rừng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lúng túng lựa chọn hình thức đầu tư.

          Thứ sáu, quản lý nhà nước đối với carbon rừng còn nhiều hạn chế, nội dung quản lý Nhà nước về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát carbon rừng chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Giá trị của carbon rừng chưa được định giá, chưa được tính vào giá trị của rừng. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan Nhà nước đối với quản lý carbon rừng chưa rõ và chưa được quy định.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng

 Ảnh: VGP/Thế Phong

Để triển khai được chính sách về tín chỉ carbon rừng, hệ thống cơ sở pháp lý cần được bổ sung các quy định về sở hữu carbon rừng, quy định carbon rừng là lâm sản và quản lý carbon rừng, cụ thể:

          Về quy định carbon rừng là lâm sản, để carbon rừng là lâm sản và trở thành hàng hóa như các loại lâm sản khác, khi đã được công nhận là một loại lâm sản thì các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng carbon rừng cần được quy định chi tiết tại các điều trong Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới luật.

          Về quy định sở hữu carbon rừng, để xác định rõ về quyền sở hữu carbon  rừng, trước hết Luật cần bổ sung một số quy định về quyền sở hữu carbon rừng, quyền sử dụng carbon rừng nằm trong quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng rừng hiện được quy định tại Điều 7 về sở hữu rừng và các điều liên quan khác của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, cần phải bổ sung một điều cụ thể quy định các nội dung:

          i) Tín chỉ carbon của những khu rừng tự nhiên giao cho các tổ chức của Nhà nước (Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp Nhà nước) thì thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Cơ quan nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng tự nhiên có quyền quyết định về xây dựng, phát hành tín chỉ carbon rừng; giao dịch, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng được hình thành từ rừng tự nhiên.

          ii) Tín chỉ carbon của những khu rừng tự nhiên giao cho các tổ chức ngoài nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, thì những chủ thể này là chủ sở hữu những tín chỉ carbon được tăng thêm do thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; tín chỉ carbon đã có trước khi giao rừng thì thuộc sở hữu Nhà nước.

          iii) Tín chỉ carbon của rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng tự đầu tư thì thuộc về sở hữu của chủ rừng (bao gồm các chủ rừng là tổ chức trong và ngoài nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được quy định tại Điều 8, Luật Lâm nghiệp). Những chủ rừng này có toàn quyền quyết định về xây dựng, phát hành tín chỉ; giao dịch, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

          iv) Tín chỉ carbon rừng của rừng trồng (rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất) do Nhà nước đầu tư thông qua các tổ chức Nhà nước (Ban quản lý rừng, Công ty lâm nghiệp Nhà nước) thì thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

          Về quy định về quản lý Nhà nước đối với carbon rừng, cần bổ sung quy định carbon rừng là một trong các chỉ tiêu điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng. Chính phủ cần ban hành bổ sung các quy định giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh về điều tra, đánh giá trữ lượng carbon rừng; phân vùng carbon rừng và lập bản đồ carbon rừng toàn quốc.

          Chính phủ cần ban hành quy trình, thủ tục cho lập dự án đầu tư kinh doanh tín chỉ Carbon rừng bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn carbon rừng quốc tế; các quy định về thẩm tra dự án, xác minh tín chỉ carbon bởi các tổ chức độc lập; phát hành tín chỉ; xây dựng cơ chế tài chính carbon rừng và chia sẻ lợi ích phù hợp với các loại dự án.

          Cuối cùng, do tín chỉ carbon rừng là loại hàng hóa đặc biệt nên để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh tín chỉ carbon rừng, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành của Luật đầu tư năm 2020 về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Công Vũ