
Thứ hai, Ngày 19/5/2025 -
Ngày đăng:
15/03/2023
Theo Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 30/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 56/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; tỉnh Kon Tum sẽ phấn đấu trồng mới 15.000 ha rừng trồng tập trung, độ che phủ rừng đạt khoảng 64,0%.
Kết quả trồng và phát triển rừng trong năm 2021 và 2022 vừa qua đã mang lại những hiệu quả nhất định (năm 2021: trồng mới 4.829,1 ha, đạt 160,97% kế hoạch, năm 2022: trồng mới 5.260,92 ha, đạt 116,9% kế hoạch) có thể thấy bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân về trồng, phát triển rừng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua các dự án đã làm thay đổi cách nhìn của người dân trong việc trồng và phát triển rừng, qua đó ý thức bảo vệ, gìn giữ rừng được nâng lên rõ rệt, giảm thiểu suy nghĩ tự do khai thác rừng bừa bãi, cũng như các hành vi xâm hại rừng.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả nhằm tiếp tục phát huy tinh thần quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng năm 2023, Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng một số loài cây lâm nghiệp phổ biến phù hợp với điều kiện của tỉnh như sau:
Một là, lựa chọn cơ cấu loài cây trồng
Tổ chức, cá nhân nên lựa chọn trồng các loài phải thuộc Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp (Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các loài cây bản địa khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.
Hai là, rà soát chuẩn bị đất trồng rừng
Các địa phương chủ động chuẩn bị đất đai, hiện trường trồng rừng trên cơ sở rà soát diện tích đất trống quy hoạch lâm nghiệp có khả năng bố trí đất trồng rừng trên địa bàn các huyện (chi tiết đến từng xã) theo số liệu rà soát tại các Văn bản của Chi cục Kiểm lâm đã gửi Ủy ban nhân dân các huyện vào ngày 10/8/2022 về việc bố trí đất để phục vụ công tác trồng rừng năm 2022 và các năm tiếp theo trên địa bàn các huyện.
Các đơn vị chủ rừng rà soát, xác định diện tích đảm bảo điều kiện trên lâm phần quản lý triển khai thiết kế trồng rừng theo đúng quy định.
Ba là, về mùa vụ trồng rừng năm 2023
Mùa vụ trồng rừng hàng năm từ tháng 6 đến tháng 8 (đối với khu vực Tây Trường sơn), từ tháng 10 đến tháng 11 (đối với khu vực Đông Trường Sơn gồm các xã giáp ranh với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi). Việc trồng rừng phải kết thúc trước mùa mưa chính 1,5 - 2 tháng, không được trồng vào cuối mùa mưa chính.
Theo Bản tin dự báo khí hậu thời hạn năm 2023 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ tháng 4-6/2023 tổng lượng mưa khu vực Tây Nguyên cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên năm 2023 có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình hàng năm. Từ tháng 10-12/2023 các tỉnh thuộc Tây Nguyên lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Do đó đề nghị các địa phương, các đơn vị chủ rừng trên cơ sở khuyến cáo này định kỳ hàng tháng chủ động cập nhật Bản tin dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum để nắm bắt tình hình diễn biến khí hậu, thời tiết tại địa bàn quản lý, lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để trồng rừng, cần tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, râm mát, có mưa ẩm để trồng rừng, đảm bảo cây trồng rừng có tỷ lệ sống cao, tuyệt đối không trồng vào những ngày nắng nóng, thời điểm hạn hán kéo dài.
Bốn là, về cây giống
Yêu cầu cây giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo đúng quy định tại Nghị định số 27/2021/NĐ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp và Thông tư số 22/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính, công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Cần đánh giá phẩm chất, chất lượng cây giống theo các tiêu chuẩn quy định trước khi đem trồng.
Năm là, phương thức và mật độ trồng
- Trồng theo phương thức thuần loài hoặc hỗn giao theo tỷ lệ thích hợp. - Mật độ trồng: Tuỳ theo mục tiêu trồng rừng, loài cây trồng, điều kiện lập địa và kinh tế xã hội mà lựa chọn mật độ trồng cho phù hợp nhưng phải đảm bảo đủ tiêu chí thành rừng khi kết thúc thời kỳ xây dựng cơ bản.
Sáu là, chuẩn bị hiện trường trồng rừng
- Xử lý thực bì phải hoàn thành trước khi trồng rừng 20-30 ngày.
- Hố phải được đào trước khi trồng rừng (những nơi độ dốc trên 15° phải bố trí theo nanh sấu để hạn chế xói mòn), kích thước hố 30cm x 30cm x 30cm trở lên, việc cuốc hố, bón lót và lấp hố phải xong trước khi trồng 10-15 ngày.
- Phân bón: có thể bón lót bằng phân chuồng hoai khoảng 500 gram /1hố; phân vi sinh từ 200-300 gram/1hố hoặc phân NPK (16-16-8) khoảng 100 gram/1hố ; phân được trộn đều dưới đáy hố với lớp đất mặt, sau đó phủ thêm một lớp đất khoảng 3-5 cm để khi trồng rễ cây không tiếp xúc trực tiếp với phân.
* Biện pháp kỹ thuật chuẩn bị trồng rừng thực hiện theo Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định các biện pháp lâm sinh và Thông tư số 17/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022, cụ thể như sau:
- Đối với trồng rừng đặc dụng: Thực hiện phát dọn thực bì theo băng hoặc theo đám, thực bì được gom lại từng dải dọc theo đường đồng mức và không được đốt; khi xử lý thực bì phải chừa lại cây gỗ có sẵn và cây tái sinh mục đích.
- Đối với trồng rừng phòng hộ: Thực hiện phát dọn thực bì theo băng hoặc theo đám. Thực bì được gom thành dải dọc theo đường đồng mức nơi đất dốc; được phát trắng thực bì ở nơi có độ dốc dưới 250 (25 độ), nhưng phải chừa lại đai cây xanh ở đỉnh dông, ven khe suối, bờ sông, hồ. Khi xử lý thực bì phải chừa lại toàn bộ cây thân gỗ có sẵn, cây tái sinh mục đích và không được đốt; ở nơi đất dốc trên 250 (25 độ), chỉ cuốc hố cục bộ so le hình nanh sấu theo đường đồng mức hoặc vuông góc với hướng gió chính, kích thước hố trồng từ 30 x 30 x 30 cm trở lên, lấp hố kết hợp với bón lót.
- Đối với rừng sản xuất: Thực hiện phát dọn thực bì toàn diện, theo băng hoặc theo đám phù hợp với điều kiện lập địa và đặc tính sinh thái của loài cây trồng; thực bì xử lý xong được gom theo băng, hạn chế đốt thực bì; trường hợp đốt thực bì phải đốt theo băng, theo đám và đốt có kiểm soát.
Bảy là, kỹ thuật trồng, chăm sóc
* Kỹ thuật trồng chính:
- Trồng vào thời điểm râm mát, mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm.
- Rải cây đến từng hố trước khi trồng, cây đã rải ra hố phải trồng hết trong ngày.
- Dùng cuốc nhỏ đào một hố rộng và sâu hơn bầu 1-2 cm ở vị trí giữa hố đã lấp.
- Xé bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu; trường hợp vỏ bầu tự hoại thì trồng luôn không cần xé bỏ vỏ bầu.
- Dùng đất tơi ở lớp đất mặt bên ngoài lấp đầy hố, lèn chặt đất xung quanh bầu và vun thêm đất vào gốc cây thành hình mâm xôi, cao hơn mặt đất tự nhiên khoảng 3-5 cm.
* Trồng dặm:
- Sau khi trồng 20-30 ngày, phải kiểm tra tỷ lệ sống, nếu đạt dưới 85% phải trồng dặm, nếu trên 85% chỉ trồng dặm lại ở những nơi cây chết tập trung, kỹ thuật trồng dặm như trồng chính.
- Sau 1 năm, nếu tỷ lệ sống chưa đạt 85% thì phải tiếp tục trồng dặm bằng cây con hơn 01 năm tuổi.
- Khi trồng dặm phải tuyển chọn những cây con đạt tiêu chuẩn và trồng vào những ngày thời tiết thuận lợi nhất.
* Chăm sóc: Rừng trồng được chăm sóc 4 năm.
Chăm sóc năm thứ 1
- Cây được trồng vào đầu mùa mưa, vì vậy trong năm đầu tiên chỉ cần chăm sóc 1 lần vào cuối mùa mưa (đối với khu vực Tây Trường sơn). Đối với khu vực Đông Trường sơn thì chăm sóc sau khi trồng 3 tháng.
- Kỹ thuật chăm sóc: Phát thực bì toàn diện trên toàn bộ diện tích trồng, gốc phát <20 cm. Dãy sạch cỏ, xới vun gốc đường kính từ 0,6 - 0,8 m, tháo gỡ dây leo quấn vào cây (nếu có).
Chăm sóc năm thứ 2: Chăm sóc 2 lần
- Chăm sóc lần 1: Từ tháng 5 đến tháng 6, phát dọn thực bì như năm thứ nhất. Xới cỏ quanh gốc, bón thúc 200 gram phân NPK cho mỗi cây vào 2 hố nhỏ ở hai bên gốc, cách gốc 20-30cm, vun gốc đường kính 0,8m.
- Chăm sóc lần 2: Từ tháng 11 đến tháng 12, phát dọn thực bì như năm thứ nhất, xới cỏ và vun gốc cho cây đường kính 0,6-0,8m, tháo gỡ dây leo quấn vào cây (nếu có).
Chăm sóc năm thứ 3.
- Thời vụ và kỹ thuật chăm sóc giống như chăm sóc năm thứ 2.
Chăm sóc năm thứ tư.
Năm thứ 4 cây trồng đã vượt qua thảm thực bì nên chỉ chăm sóc 1 lần vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5 đến tháng 6 (Chỉ phát thực bì không dẫy cỏ vun gốc).
Tám là, Phòng trừ sâu bệnh hại
Thực hiện theo Tiêu chuẩn ngành 04-TCN-27-2001 được ban hành kèm theo Quyết định số 2181/QĐ-BNN-KHCN ngày 23-5-2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy phạm kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8927-2013 về hướng dẫn chung phòng trừ sâu hại cây rừng.
- Đối với các dòng Bạch đàn rất dễ bị mối ăn giai đoạn mới trồng do vậy cần phải xử lý thuốc chống mối trước khi đem trồng (dẫn dụ mối; rải thuốc chống mối; nhúng thuốc chống mối). Quá trình chăm sóc theo dõi nếu có hiện tượng mối ăn cây (cây chết đứng) thì tiếp tục xử lý thuốc chống mối. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp sử dụng các loại chế phẩm hóa học Termidor 25EC, Lenfos 50EC, Lentrek 40EC , Mapsedan 48 EC, PMC 90 có hiệu lực phòng trừ mối tốt cho rừng trồng Bạch đàn.
- Đối với các dòng Mắc ca cần thực hiện quét vôi xung quanh gốc cây mỗi năm 2 lần, lần 1 vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau; lần 2 vào tháng 7-8 để phòng chống sâu hại và bệnh; vị trí quét bắt đầu từ phần dưới gốc cây (bới phần đất mặt sâu xuống 2- 5 cm) quét lên thân cây khoảng 50-80cm. Một số bệnh có thể gặp ở cây Mắc ca như: thối hoa, đốm quả, loét vỏ cây.
- Đối với các loại Keo rất dễ bị bệnh phấn trắng, Thông dễ bị sâu róm thông, theo dõi quá trình sinh trưởng nếu phát hiện dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch thì báo ngay về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phòng chống kịp thời.
Chín là, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng
* Rừng trồng được bảo vệ thường xuyên trong suốt chu kỳ kinh doanh.
- Tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cho người dân xung quanh khu rừng.
- Xây dựng hệ thống biển báo cấm đốt lửa trong rừng.
- Cấm chăn thả gia súc, cấm chặt phá cây rừng.
* Áp dụng Quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng Thông, rừng Tràm và một số loại rừng dễ cháy khác (QPN8-86), được ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ ngày 26/9/1986 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cụ thể:
* Thiết kế hệ thống đường băng cản lửa để ngăn cách lửa giữa các lô của rừng trồng kết hợp làm đường vận chuyển, vận xuất phục vụ cho công tác trồng, chăm sóc và khai thác,…
- Đường băng rộng khoảng 8 m-10 m được ủi trắng hoặc phát dọn sạch thực bì.
- Tận dụng triệt để hệ thống sông, suối, đường giao thông làm đường ranh cản lửa.
- Nơi có thể cơ giới thì phòng chống cháy rừng bằng cách cày sạch cỏ theo hàng. Trên hàng cây phải được phát dãy sạch cỏ, đưa cỏ và lá rụng ra khỏi hàng cây, tiến hành đốt cỏ và lá rụng vào ban đêm lúc có sương xuống, trời lặng gió để hạn chế ngọn lửa. Nơi không thể cơ giới được thì phát dọn bằng biện pháp thủ công, gom đống thực bì và lá rụng thành những đống nhỏ, cách xa nhau và đốt có kiểm soát.
Mười là, công tác kiểm tra, nghiệm thu
Công tác nghiệm thu thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh.