Thứ Năm, Ngày 02/5/2024 -

Ngày đăng:

01/07/2023 

  1. Về phạm vi điều chỉnh

Luật Thanh tra năm 2022 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra. Đã bỏ phạm vi điều chỉnh về Thanh tra nhân dân.

  1. Về giải thích từ ngữ

Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung giải thích một số từ ngữ như:

+ Khái niệm Kế hoạch tiến hành Thanh tra là kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

+ Khái niệm về Kế hoạch thanh tra; phạm vi thanh tra; nội dung thanh tra; đối tượng thanh tra; thời kỳ thanh tra; thời hạn thanh tra; kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; quyết định xử lý về thanh tra; người tiến hành thanh tra; cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; cơ quan thanh tra.

  1. Các hành vi bị nghiêm cấm

Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: lạm quyền trong quá trình thanh tra; cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật...; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật; đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra; tác động làm sai lệch kết quả thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra; không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra…

  1. Về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 chia làm 5 nhóm: Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan Cơ yếu Chính phủ; Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

(Luật Thanh tra năm 2010 chia làm 02 nhóm: Cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành).

  1. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, thanh tra huyện, thanh tra Sở (Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung thêm):

Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tiếp công dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Sở và Thanh tra huyện cũng được bổ sung thêm nhiệm vụ tiếp công dân; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

  1. Về quy định cụ thể tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính

Luật năm 2022 đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp.

(Luật Thanh tra năm 2010 không quy định cụ thể tiêu chuẩn từng ngạch thanh tra viên mà giao Chính phủ quy định).

Luật Thanh tra năm 2022 đã bỏ quy định tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học đối với các ngạch thanh tra viên, đồng thời có bổ sung quy định Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch đối với chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức.

  1. Về miễn nhiệm thanh tra viên

Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể các trường hợp miễn nhiệm thanh tra viên trong các trường hợp sau: Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành; Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 của Luật này; Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm; Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

  1. Về thời gian ban hành kế hoạch thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 quy định cụ thể thời gian ban hành kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra. Luật mới đã gộp kế hoạch Thanh tra Sở và Thanh tra huyện vào kế hoạch Thanh tra tỉnh.

  1. Về hình thức thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 quy định 02 hình thức thanh tra, gồm: Thanh tra theo kế hoạch hoặc thanh tra đột xuất.

(Luật Thanh tra năm 2010 quy định 3 hình thức thanh tra, gồm: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất).

  1. Về thời hạn thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã rút ngắn thời gian gia hạn đối với Thanh tra Chính phủ tối đa là 120 ngày (Luật cũ 150 ngày).

  1. Về gia hạn thời hạn thanh tra

Đây là nội dung mới được quy định trong Luật Thanh tra năm 2022 cụ thể các trường hợp phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm: Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phái xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra; Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.

Đồng thời Luật thanh tra năm 2022 cũng quy định Các trường hợp đặc biệt phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm: Cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương; Cuộc thanh tra có ít nhất 02 yếu tố quy định tại trường hợp phức tạp.

  1. Về trình tự, thủ tụctiến hành một cuộc thanh tra hành chính

Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính gồm 3 bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, kết thúc cuộc thanh tra.

(Luật Thanh tra năm 2010 không quy định)

  1. 13Về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành

Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành gồm 3 bước: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, kết thúc cuộc thanh tra.

(Luật Thanh tra năm 2010 không quy định)

  1. 14Về căn cứ ra quyết định thanh tra

Luật năm 2022 kế thừa 04 căn cứ của Luật năm 2010 gồm: Kế hoạch thanh tra;  Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

Ngoài ra Luật năm 2022 còn bổ sung thêm căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.

  1. 15Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước 

Ngoài quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung thêm trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước như sau: Yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc hoạt động thanh tra; không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra; Xử lý kịp thời kiến nghị về thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

  1. 16. Về xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung thêm 02 trường hợp xử lý vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra, gồm: (1) Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung mà Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. (2) Trường hợp Đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng người ra quyết định thanh tra không xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trường hợp thành viên Đoàn thanh tra đã phát hiện và báo cáo về vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng Trưởng đoàn thanh tra không xử lý thì thành viên đó không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

  1. 17Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung quy định: Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.

Đồng thời, Luật  năm 2022 cũng quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

  1. Về thanh tra lại

Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể việc thanh tra lại và thời hiệu thanh tra lại như sau: (1) Căn cứ thanh tra lại: Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra; Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra. (2) Thời hiệu thanh tra lại: là 02 năm kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.

  1. Về chuẩn bị thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung điều khoản quy định về thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra, theo đó: Trước khi ban hành quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phân công người thu thập thông tin có liên quan để làm rõ sự cần thiết tiến hành thanh tra, bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp.

  1. Về báo cáo kết quả thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022, đã quy định cụ thể thời gian báo cáo kết quả thanh tra của từng cấp thanh tra cụ thể: Thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra được tính từ ngày Đoàn thanh tra kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp và được quy định như sau: (1) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày; (2) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; (3) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

(Luật Thanh tra năm 2010 chỉ quy định chung “Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra và gửi tới người ra quyết định thanh tra”, không phân biệt báo cáo kết quả cho từng cấp).

  1. Về xây dựng dự thảo kết luận thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung về thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra cụ thể:

- Việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra giao Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra.

- Về thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra được tính từ ngày người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và được quy định như sau: (1). Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;  (2). Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 20 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; (3) Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra không quá 15 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.

Ngoài ra Luật Thanh tra năm 2022 cũng bổ sung thêm quy trình tham khảo ý kiến về dự thảo kết luận thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và công khai kết luận thanh tra.

(Luật Thanh tra năm 2010 không quy định việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra và không quy định cụ thể thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra)

  1. Về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra với các nội dung như: Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra; Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; Trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; Tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát.

(Luật Thanh tra năm 2010 chỉ quy định người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra)

  1. Về thực hiện kết luận Thanh tra

Luật năm 2022 đã bổ sung chương V quy định về thực hiện kết luận thanh tra, trong đó quy định rõ: Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc ban hành kết luận thanh tra; Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; Xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

(Luật Thanh tra năm 2010 chỉ nêu chung việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra)

Kim Yến