Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
30/12/2022 08:15:00
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai Đề án góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 14-NQ/TU, quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum sớm thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.
Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế; phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm dược liệu OCCOP tỉnh Kon Tum tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị
Mục tiêu cụ thể của Đề án: (i) Đến năm 2025 hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung; trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm (1.600 ha đất qua các lượt trồng) các loại cây dược liệu ngắn ngày; (ii) Hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây) và các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha đối với các loại cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây trồng dược liệu hàng năm, ngắn ngày (1.600 ha đất qua các lượt trồng); (iii) Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu; (iv) khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên, khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng; (v) Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh. (vi) Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng trưng bày dược liệu tỉnh Kon Tum
Đến năm 2030: (i) Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. (ii) Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu. (iii) Đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại vùng trồng dược liệu và thúc đẩy dịch vụ logistics; gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm dược liệu. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến.
Để phấn đấu đạt được những kết quả nêu trên, UBND tỉnh đưa ra một số nhóm giải pháp như sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu
Ba là, đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ
Bốn là, thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu
Năm là, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu
Sáu là, giải pháp về khoa học và công nghệ
Bảy là, giải pháp về hợp tác quốc tế
Tám là, giải pháp tiêu thụ sản phẩm
Chín là, tổ chức giám sát và đánh giá
Tại Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã định hướng "...thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ, tạo việc làm cho người dân, tăng nguồn thu nhằm tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững.."; "...Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,...), cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè), cây dược liệu...". Kon Tum là tỉnh thuộc tiểu vùng Bắc Tây Nguyên có tiềm năng và lợi thế về dược liệu. Hy vọng trong giai đoạn tới, với sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái./.
Quỳnh Lê